Nhắc đến Quy Nhơn, người ta thường nhớ đến Hàn Mặc Tử. Quả thật, dường như vẫn bảng lảng đâu đó trong thành phố trẻ đầy sôi động này nét duyên thầm vốn gợi nên hồn thơ cho cố thi sĩ ngày xưa. Nếu bạn đã chán chường với những địa điểm du lịch quen thuộc, đừng ngần ngại mở cho mình một tuyến riêng để đến với Quy Nhơn, thành phố biển hiền hòa nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Quy Nhơn vừa có dáng mạnh mẽ của một thành phố đương sức trẻ, vừa có nét u mặc của một tỉnh lị xưa với những địa danh hằn dấu thời gian. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó? Người Quy Nhơn hiền hậu, chân chất. Đó là nhận xét của hầu hết khách du lịch có dịp đến thành phố này. Nhưng dù thế, điều đó vẫn không ngăn người dân nơi đây có những niềm tự hào rất riêng: đây là nơi có cây cầu vượt biển dài nhất đất nước, là nơi vẫn còn gìn giữ nền văn hóa Chăm xưa, là nơi vết chân hoàng hậu Nam Phương và thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng in dấu...Nên về Quy Nhơn, không khó gì để bạn có thể tìm được một "hướng dẫn viên không chuyên", bởi tính cách chất phác của con người nơi đây cùng niềm tự hào về quê hương xứ sở đã khiến mỗi người dân đều trở thành một "hướng dẫn viên" tự nguyện và đầy nhiệt tình. Quy Nhơn chào đón du khách bằng con đường nhựa thô ráp, nhưng hai bên là những ruộng lúa xanh mơn mởn, những cây cầu bắc qua dòng sông trong văn vắt. Tiết trời tháng 2 se se lạnh vẫn không ngăn được ước muốn dầm chân dưới dòng nước mát lành nhường ấy, hay dừng xe chút thôi, đủ để có thời gian ngắm những cánh đồng xanh tươi. Nhưng suy cho cùng, về miền quê nào chả thế. Nếu độc đáo phải nói đến cảm giác chênh chao khi đi giữa cầu Nhơn Hội, gió thổi ù ù tứ phía, gặp hôm gió lốc, lại còn thêm cát bay mù mịt, cảnh vật mờ mờ ảo ảo. Chiều xuống, dây đèn hai bên cầu nổi bật như những nốt nhạc trên bầu trời rạng ánh hoàng hôn, để rồi bật sáng trưng, tỏa ánh vàng lấp loá trên mặt biển khi đêm xuống. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất nước bắc ngang đầm Thị Nại - nơi từng chứng kiến bao cuộc binh biến xưa kia, nay lại có dịp chứng kiến sự thay da đổi thịt của một thành phố biển. Ngẫm ra, Quy Nhơn may mắn vì mang trong mình nhiều giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Du khách đến với Quy Nhơn thường không thể bỏ qua Tháp Đôi, nơi thời gian như ngừng lại để con người tìm về không gian Chiêm Thành ngày xưa. Đôi tòa tháp vững chái như an nhiên tự tại, lặng lẽ thách thức thời gian. Hải sản ở Quy Nhơn cũng nức tiếng ngon và rẻ. Nhưng nếu không ngại du lịch kiểu "ba lô", hãy lê la lề đường để ăn thử những món bình dị của người dân địa phương, bạn sẽ thấy thú vị đến nhường nào. Như món ốc um. Cũng chỉ là ốc bươu như Sài Gòn, Hà Nội thường thấy, nhưng với món ốc Quy Nhơn, chẳng thể nào nói câu "nhạt như nước ốc". Thay vì luộc, ốc được ướp gia vị đậm đà. Gọi một đĩa ốc, người bán mở vung nồi đã nghe mùi sả mùi gừng thơm ngào ngạt. Người sành ăn, ngoài ốc còn phải gọi thêm một chén nước luộc, để hít hà hương thơm và húp thứ nước có vị cay, béo, ngọt tuyệt đỉnh ấy. Con ốc được ngâm nước gạo nên trắng tinh, giòn ngọt và béo ngậy. Dọn kèm chén ốc nhất định phải có đĩa xoài xanh và chuối chát xắt mỏng, thêm ít cọng rau răm lá mảnh cùng một chén nước mắm pha chua ngọt đỏ rực những ớt. Ăn xong đĩa ốc, nhớ gọi thêm một ly cơm rượu nếp để vừa tráng miệng, vừa phòng ngừa cái bụng "nổi loạn", mà đôi má lại thêm hồng. Theo Tintuc Online |
THÔNG TIN KHÁC > XỨ NẪU BÌNH ĐỊNH >