PHONG TỤC CƯỚI HỎI
Nghi thức trong lễ ăn hỏi của người Việt
TRANG PHỤC LỄ CƯỚI HỎI
|
SỰ KHÁC NHAU VỀ PHONG TỤC LỄ CƯỚI BA MIỀN
![]() Ngày nay, cả 3 miền Bắc Trung Nam vẫn còn lưu truyền, mỗi nơi có một
nét đặc trưng riêng biệt, có thể xem là những bài học kinh điển trong
các nghi thức Cưới Hỏi. Lễ cưới miền Bắc Nghi lễ cưới ở miền Bắc đã trải qua nhiều thay đổi để phù hợp với tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, dù gì cũng phải giữ 3 lễ: - Dạm ngõ: là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay, những gia đình miền Bắc vẫn giữ nguyên nếp xưa, lễ chạm ngõ vẫn được xem là thủ tục cần thiết, để "chỗ người lớn" thưa chuyện với nhau. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu tiến tới chuyện hôn nhân. - Lễ ăn hỏi: Dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu cơi trầu. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Nếu gia đình khá giả thì ngoài cốm - hồng và trầu cau còn có thêm lợn sữa quay. Ðồ lễ ăn hỏi gắn liền với đặc sản của các vùng như: bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá... Thông thường lễ ăn hỏi gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia. - Lễ cưới: Sau khi ăn hỏi khoảng 10 ngày, người ta bắt đầu tổ chức lễ cuới. Ngày xưa, Lễ rước dâu có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có, địa vị trong làng xã. Khi đón dâu ra đến đầu làng còn có lễ chăng dây (lễ chăng dây đến đầu thế kỷ XX vẫn còn), muốn đi qua phải đưa một ít tiền. Ăn uống, tiệc tùng diễn ra trước ngày cưới 1 ngày (bây giờ thường tổ chức ngày trong ngày cưới). Ðám cưới bắt đầu bằng thiệp báo hỷ, khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen (lấy từ lễ ăn hỏi). Ðến nay tục này vẫn còn được giữ lại. Trong lễ đón dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là Lễ lại mặt. Từ sau lễ lại mặt, bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà thông gia, vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ). Lễ cuới miền Trung Quy trình tổ chức lễ cưới ở miền Trung cũng có đủ các bước từ lễ chạm ngõ, hỏi cưới, đến tân hôn vu quy... Nhìn tổng thể, các đám cưới miền Trung thường diễn ra tiết kiệm, giản đơn, không phô trương, nhưng ở mỗi phần cụ thể khá cầu kỳ, với quan niệm "trọng lễ nghi khi (khinh) tài vật". Trước khi chuẩn bị lễ hỏi, lễ cưới, người ta thường xem ngày giờ tốt xấu, có khi lên chùa thỉnh ý các cao tăng. Sau khi chọn được ngày giờ đẹp, hai bên thông gia sẽ báo cho nhau bằng một cuộc thăm đơn giản. Việc này cũng đôi khi do đôi bạn trẻ thực hiện, nhưng phải là hai nhà có thân tình từ trước. Ðối với đám hỏi, người miền Trung chỉ xem là buổi gặp mặt giữa hai gia đình và tông tộc thân thích để giới thiệu đôi bạn trẻ, không tổ chức rầm rộ. Ðám cưới có các lễ: xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Người miền Trung không có tục thách cưới. Lễ vật tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nếu khá giả, nhà trai có thể thêm bánh kem, bánh dẻo, không có "lợn quay đi lộng" như nhiều nơi. Ngoài ra, đám cưới ở miền Trung thường có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ thường là 1 trai 1 gái, tuổi tương đương cầm đèn hay cầm hoa đi trước. Trong đêm tân hôn, đôi bạn trẻ phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người miền Trung có tập tục để trong phòng tân hôn một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Ðôi bạn trẻ phải nhai hết 12 miếng trầu ấy, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong một năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Việc ăn muối ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm. Còn rượu giao bôi thì theo đúng với lễ giáo phong kiến của Trung Hoa cũ. Khi đưa dâu, thông thường bố mẹ cô gái sẽ không theo xe, mà hôm sau mới sang nhà trai, với ý nghĩa xem cô con gái ngày đầu về làm dâu có làm điều gì phật lòng nhà chồng không. Buổi gặp này, hai bên thông gia đối đáp những câu khách sáo, nhắn gửi con cái cho nhau, và căn dặn con mình phải thuận thảo với gia đình bên vợ hoặc bên chồng. Hiện nay, lễ này đã được nhiều gia đình miền Trung giảm bớt, bằng cách khi rước dâu, bố cô gái theo về nhà trai bằng một chiếc xe khác, và tại tiệc đãi sẽ trao đổi với nhà trai. Ba ngày sau lễ cưới, cô dâu mới được trả lại nhà bố mẹ đẻ để thu dọn tư trang về nhà chồng, bắt đầu cuộc sống làm dâu.Tính cầu kỳ của người miền Trung tại lễ cưới chủ yếu trong cách hành xử. Không hề có chuyện ầm ĩ ồn ào thái quá trong các lễ và tiệc cưới. Việc thưa gửi, trình bày của chủ hôn, bố mẹ hai bên đều rất khuôn sáo và không bỏ sót ai. Ðặc biệt, quan hệ tuổi mạng rất được coi trọng ở đây. Vị chủ hôn thường là vị cao niên trong dòng tộc hai bên, thân thuộc với gia đình, vợ con đầy đủ, không tật bệnh, tuổi không khắc kỵ đôi tân hôn. Các phù dâu phù rể là người chưa có chồng vợ, tính tình vui vẻ nhanh nhẹn. Việc bài trí phòng tân hôn phải do một người phụ nữ lớn tuổi, phúc hậu sửa soạn. Lễ vật rước dâu, nhà trai nhờ một người cao tuổi, đủ vợ chồng con cái, gia đình hòa thuận kiểm tra. Người này cũng sẽ têm trầu cau, bày cặp nến hồng trên bàn thờ gia tiên nhà gái. Sau khi lễ xong, cặp nến hồng cũng phải được người này thổi tắt. Số người nhà trai đi rước dâu luôn ở số chẵn. Trước khi đi và khi đón dâu về, nhà trai thường cử vài người đàn ông trẻ tuổi hoạt bát, đã có vợ con ra đứng đón sẵn để "lấy hên" cho đôi tân hôn. Lễ cưới Nam bộ Hôn lễ chính cử hành tại ban thờ tổ tiên trong gia đình. Ban thờ phải có đủ "hương đăng hoa quả". Họ hàng đàng trai đến, có người làm mai đi đầu. Lễ vật đưa đến, ngoài trái cây, bánh kẹo, phải có trầu cau. Truyền thống này nay vẫn giữ, đó là nét văn hóa, linh thiêng của dân tộc Việt. Phải có cặp đèn (nến) thật to, trùng với kích thước của đôi chân đèn trên bàn thờ. Ðại diện nhà trai kính cẩn mời nhà gái uống trà, rượu, và mời ăn trầu. Hai bên bàn bạc với nhau vài chi tiết, tặng nữ trang, tiền mặt (không mất nhiều thời gian vì đã thỏa thuận với nhau từ trước). Xong xuôi, người trưởng tộc của nhà gái tuyên bố: "Xin làm lễ lên đèn". Đó được hiểu là đôi bạn trẻ đã chính thức trở thành vợ chồng. Lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất, bắt buộc phải có. Hai ngọn nến to, do nhà trai đem đến được đặt trên bàn thờ ông bà. Người trưởng tộc khui một chai rượu, trong số hai chai do nhà trai đem đến, đứng trước bàn thờ giữa cô dâu và chú rể. Khi lửa ở hai ngọn nến cháy đều, ông trưởng tộc từ từ giang cánh tay ra trao cho hai vợ chồng mỗi bên một ngọn để cắm vào chân đèn. Ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn hiếp chồng. Lễ lên đèn có một sự tôn nghiêm kỳ lạ với ý nghĩa: lửa là sự sống, là niềm lạc quan. Lửa nối quá khứ, nối tổ tiên đến hiện tại. Lửa nối mặt đất lên trời...Chính vì thế, đây là một nghi thức bắt buộc không thể thiếu ở mọi hôn lễ từ xưa đến nay của người miền Nam. ST |
Nghi thức HÔN LỄ cổ truyền
![]() Khổng Tử đã biên soạn Tứ Thư Ngũ Kinh trong đó có Kinh Lễ được coi trọng nhất, vì nhờ Lễ Nghĩa gia đình, quốc gia mới giữ được giềng mối, có tôi trung, con hiếu, vợ chồng ăn ở đầu râu tóc bạc. Trong GIA LỄ có HÔN LỄ, tức dựng vợ gả chồng, cưới hỏi, một người trong một đời phải trải qua một lần. Hiện nay ở nước ta, đã có nhiều người không biết cử hành hôn lễ như thế nào? Các bậc trưởng thượng hiện nay, giờ có hôn lễ thì họ cũng giảm rất nhiều, hoặc làm lễ mà không rõ ý nghĩa nghi tiết. Còn có người cử hành hôn lễ cho có lệ. Ðạo Nho đặt ra Hôn Lễ nhằm xây dựng một mỹ tục, một sự ràng buộc linh thiêng của tổ tiên, họ hàng, bạn bè, làng nước chứng kiến, khiến cho có đôi lúc muốn bỏ nhau cũng phải cẩn trọng đắn đo. Không biết thì thôi, đã biết thì phải theo nghi lễ. Thiết tưởng chúng ta nên bảo tồn thuần phong mỹ tục được chừng nào hay chừng đó. Hôn Lễ là quy cách diễn tiến các tiết mục tổ chức cùng nghi thức khấn vái trong việc dựng vợ gả chồng theo truyền thống từ xưa của tổ tiên. Dù ngày nay vấn đề cha mẹ định đoạt chuyện lứa đôi không còn nữa. Trào lưu tiến triển xã hội văn minh tiến bộ. Trai gái tự do quen biết nhau, tìm hiểu nhau thân thiết trước, nhưng khi quyết tâm tính chuyện ăn đời ở kiếp xây dựng mái ấm gia đình thì nhất thiết phải có sự lạc thành hôn lễ, tức là phải có lễ hỏi, lễ cưới, có lễ vật, được đông đủ cha mẹ thân thuộc tham dự chứng tri, đẹp mặt nở mày người sống, có lễ bái gia tiên rạng rỡ vong linh tổ tiên họ tộc, đúng nề nếp lễ giáo gia phong, bảo tồn mỹ tục của xã hội, đất nước, nêu gương tốt cho hậu thế. Ca dao từng nhắn nhủ: Dẩu yêu nhau thắm thiết đậm đà, Nếu chưa hôn lễ, chưa thành vợ chồng. Dù không hẳn là tuyệt đối, có nhiều nhận xét cho rằng những cặp trai gái cùng nhau ăn ở dễ dàng không có qua nghi thức hôn lễ thường dể xảy ra đổ vỡ, tan rã hơn vì không có sự ràng buộc tinh thần của hôn lễ, vì thiếu căn bản vững chắc của lễ giáo, trái với thuần phong mỹ tục của xã hội. TỔ CHỨC HÔN LỄ (Diễn tiến đúng theo nghi thức) A. LỄ VU QUY (Gái Xuất Giá) Có 7 lễ tổ chức tại nhà họ gái. 1. Lễ nhập gia: Họ nhà trai đến, báo họ nhà gái biết để xin vào. 2. Lễ trình sính phẩm, lễ vật: Gồm đôi đèn, cặp rượu, trà, mâm trầu cau và các quả bánh, trái cây. 3. Lễ bái gia tiên: Lễ lên đèn, lễ bái Từ Ðường. Người điều hành lễ đứng quay mặt vào bàn thờ, chú rển tộc họ đàng trai đứng bên trái cạnh bàn thờ (nam tả nữ hửu tính từ hướng trong bàn thờ nhìn ra) 4. Lễ khai lộc: (lễ dở mâm trầu), nếu có xem nghi thức cúng vái) 5. Lễ trình sinh nghi: Nữ trang, hoa tai (đôi bông tai, dây chuyền, vòng xuyến) mẹ chồng hay đại diện đeo cho cô dâu, nhẩn (nếu có) trai gái đeo nhẩn cho nhau. Tiền mặt. 6. Lễ yết kiến nhạc phụ mẩu: Rể ra mắt cha mẹ vợ và thân thuộc bên nhà vợ (xem nghi thức diển đạt) Ðược phép gọi cha mẹ nhau. 7. Lễ thân nghinh: (lễ rước dâu) Xin rước dâu và cung thỉnh quý tộc họ nhà gái đưa dâu và mời dự tiệc tại nhà trai. B. LỄ THÀNH HÔN (Lễ cưới tổ chức tại họ nhà trai) 1. Lễ trình sính phẩm lễ vật: Lễ vật của nhà gái dâng cúng thường đôi đèn tống hôn và hai quả bánh. 2. Lễ bái gia tiên: Lễ lên đèn, Lễ bái Từ Ðường. 3. Lễ yết kiến công cô: Lễ ra mắt cha mẹ chồng, dâu bái yết cha mẹ chồng và thân thuộc bên nhà chồng (xem nghi thức dẫn đạt) 4. Lễ phu thê giao bái: Vợ chồng giao bái hiệp cẩn ( xem nghi thức dẫn đạt). 5. Lễ từ quy: Lễ kiếu, Lễ cáo từ, do họ nhà gái trình. 6. Lễ tiễn đưa: Lễ đưa do họ nhà trai trình. NGHI THỨC KHẤN VÁI A. LỄ BÁI GIA TIÊN (Lễ lên đèn, Lễ Từ Ðường) a. Những điều cần lưu ý 1. Khui rượu và rót rượu vào ly trên bàn thờ . 2. Các quả bánh, trái cây được mỡ mâm ra. Có thể một ít bánh trái cây được sắp vào đĩa đặt trên bàn thờ. 3. Mâm trầu cau (nếu có) giữ nguyên để đến lễ dở mâm trầu mới dở ra. 4. Cha mẹ, thân tộc họ hàng nhà trai đứng cạnh bàn thờ phía trái, cha mẹ , thân tộc nhà gái đứng cạnh bàn thờ phía mặt. 5. Mai nhơn hay ngườ đứng bên phải và cô dâu đứng bên trái người điều hành lễ. Thân tộc họ đàng gái đứng bên phải cạnh bàn thờ. Thâi điều hành lễ đứng trước bàn thờ, mặt day vào bàn thờ, trai (rể) đứng bên phải người điều hành lễ. Gái (dâu) đứng bên trái. Dâu rể đều quay mặt vào bàn thờ. 6. Ðốt sẵn bốn cây nhang (nếu có nhang đại càng quý) cháy sẵn để trên bàn thờ khi tới khấn cúng nhang. Người điều hành lễ sẽ lấy cầm vái. 7. Ðốt đôi đèn chậm rãi cẩn thận tim đèm cháy thật tốt và hai ngọn cháy bằng nhau, nếu cây nào cháy còn yếu, nghiêng tim xuống cho ngọn lửa cháy đều. Bình tĩnh đợi khi cháy đều mới bắt đầu. 8. Cầm đôi đèn nhớ nhìn hàm rồng và mỏ của phượng phải giao nhau. Tức là cây rồng ở tay phải và cây đèn phượng ở tay trái. b. Nghi thức khấn vái Người điều hành lễ cầm đôi đèn bằng hai tay vòng cung ngang tầm mắt, hình rồng và hình phụng ngay trước mắt mình. Người điều hành lễ quay mặt ra ngoài (hai tay vẫn vòng cung cầm đèn) để khấn vái cáo tri trời đất và vái lớn rõ ràng như sau: (khấn phải thuộc lòng) 1. Đối với Lễ cáo trời đất: * Từng nghe rằng đạo vợ chồng có thiên chức là trưởng dưỡng và sinh hóa đế gây mối cho ÐẠO TRỜI ÐẤT và là giềng mối chính của ÐẠO CON NGƯỜI. * Chí thành long trọng khấn cao cùng HOÀNG THIÊN HẬU THỔ linh ứng chứng giám lễ Vu Quy (Thành Hôn). * Người điều hành lễ dứt lời, quay lưng xoay mặt vào bàn thờ. Tay mặt đưa cây đèn rồng cho rể đang đứng ở tay mặt (cầm hai tay). Tay trái đưa cây đèn phượng cho cô dâu đang đứng ở tay trái (cầm vòng). Trao đèn xong, người điều hành lễ bước tới lấy bốn cây nhang (đã đốt sẵn ở bàn thờ) và vòng cung tay cầm nhang ngang tầm mắt để khấn vái tiếp. 2. Đối với Lễ bái gia tiên (phần 1) * Hôm nay ngày, tháng, năm (âm lịch) trân trọng Thiết Trần sính phẩm lễ vật cống hiến cùng thành kính dâng lên: Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lão Thiên Tôn, Chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu. * Từ ngàn xưa trời đất phối hợp có âm có dương, con người sánh đôi bởi vợ chồng, cho nên có âm dương có vợ chồng. Dẫu thiên địa cũng vòng phu thê. * Hôn nhân là mối đầu của muôn sự sinh hóa nên được coi là nguồn gốc chính xây dựng gia đình, và gia đình luôn là nền tảng vững bền của xã hội, sức mạnh tiềm ẩn của quốc gia, rất hệ trọng và mật thiết cho sự phát triển giống dòng cũng như duy trì quy luật sinh tồn truyền thống của nhân loại. * Ðạo vợ chồng là đạo cả tâm can, là nguồn gốc chính nhân luân đạo giới. * Tình yêu chân chính tiến tới hôn nhân mới là hạnh phúc thật sự vì yêu đương nhau là thuộc về nhau trọn vẹn và kết hợp lại chồng và vợ tuy hai mà một, một tâm hồn cao quý, một thể xác tuyệt vời, cùng quý yêu nhau như yêu chính bản thân mình, không được ghét bỏ nhau cũng như không bao giờ phân rẽ. " Nghĩa vợ chồng gắn bó trăm năm, Tình chồng vợ thủy chung một dạ." * Ðể phong tục tập quán có một nền gốc có quy củ vững vàng. Người xưa đã đặt ra nghi lễ hôn nhân, ngoài sự nêu cao giá trị tối quan trọng câu nghĩa vợ chồng với tình cảm yêu đương cao quý cùng sự thủy chung vẹn nghĩa trọn tình, còn có mục đích tối hậu là bảo tồn tinh thần gia tộc, đề cao đạo hiếu thảo, rèn luyện con người biết tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, biết giữ tròn nhân cách trong đời sống phù hợp với Ðạo Lý Luân Thường. * Tôn trọng và tuân hành đúng theo nghi lễ tất nhiên gặp không ít những điều khắt khe phiền toái, nhưng chính đó là yếu tố để bảo vệ tinh túy phong hóa dân tộc theo đà văn minh tiến bộ, phân biệt cái dở biết bỏ, điều hay phải theo, hầu duy trì vĩnh cửu lễ giáo gia phong thuần phong mỹ tục lưu truyền đến ngàn sau hậu thế soi gương. Cho dẫu yêu nhau thắm thiết đậm đà, chưa làm hôn lễ, chưa thành vợ chồng. (dứt lời, người điều hành lễ đưa ra mỗi bên hai cây nhang (họ trai, họ gái) cha mẹ hay đại diện tiếp lấy nhang xá và cắm vào lư nhang trên bàn thờ. 3. Khấn Lễ bái gia tiên (phần 2) * Trao nhang xong người điều hành lễ khấn vái tiếp nói: Trai (họ tên) tay phải cầm lấy cây đèn rồng của rể và gái (họ tên) tay trái cầm lấy đèn phụng của dâu cầm chung lại và cung vòng tay vái: * Nay lệnh lang (tên họ người chồng) lệnh ái (tên họ vợ) được sự chuẩn thuận của đáng sinh thành và qua lễ đính hôn ngày tháng năm (âm lịch) vẫn đinh ninh tấc da như có trời sao. Như trăng có nước, như đũa có đôi, đồng nguyện cùng nhau thành vợ thành chồng, trăm năm nghĩa thắm tình nồng, tròn duyên trọn nợ một lòng sắt son. * Nay chọn được tháng đại lợi, ngày lành, giờ tốt, lạc thành lễ: vu quy, thành hôn, hợp hôn. * Chi thành khấn nguyện Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lảo Thiên Tiên, chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu, hiển linh chứng giám. * Nguyện cầu gia huệ cho hai họ hôn nhân (họ trai, họ gái) bá niên giai lão, tinh hoa cát luôn luôn thuận hão, nghĩa thông gia mãi mãi thắm nồng. * Nguyện cầu cho đôi hôn nhân (họ tên chồng, họ tên vợ) an khang trường thọ, trọn duyên nợ trăm năm hão hiệp, vẹn thủy chung hạnh phúc trọn đời, phận chồng biết cần biết kiệm, có nhân xứng danh chồng tốt, rể quý; hạnh vợ trinh hậu, đảm đang, đẹp nết vợ hiền, khéo thuận khéo tùy, rạng danh dâu thảo. * Luôn tâm niệm rằng tất cả kho báu trên thế gian này không có gì sánh được bằng hạnh phúc gia đình để cùng chung nhau đắp xây tô điểm ngày thêm ấm cúng vững bền, gia đình hòa thành, phúc lộc gồm hai, sớm trổ sanh trai hiếu gái hiền, vun bồi đức nghiệp cha ông, tông đường hai họ (họ trai, họ gái) đời đời rạng rỡ. * Trân trọng vạn vong. * Dứt lời người điều hành lễ hai tay đưa đèn ra hai bên. Họ trai, họ gái mỗi bên nhận đèn, xá 2 xá và trao cho người tiếp đèn cắm vào lư chân đèn. Khi đôi đèn đã cắm xong hoàn chỉnh, ngay ngắn. * Rể dâu cùng lạy tổ tiên 4 lạy. B. LỄ KHAI LỘC (DỠ MÂM TRẦU) (Lễ Vu Quy) Phù Lang * Người điều hành lễ, rể dâu đứng (y như lễ bái gia tiên) * Chuẩn bị hai đĩa bàn để đựng trầu cau * Cũng đốt 4 cây nhang, khi vái xong, dâu sẽ lấy trầu, nhớ lấy chẳn (6 lá hay 12 lá) để vô dĩa. Rể cũng tét cau, cũng chẳn 2, 4 hay 6 trái để vào dĩa trầu. * Hai đĩa, một cúng trên bàn thờ, một đĩa đem đãi cho hai họ ngồi (mấy bà). * Người điều hành lễ cầm 4 cây nhang cung vòng tay ngang tầm mắt vái lớn rõ ràng. Khấn Vái * Tục lệ từ HÙNG VƯƠNG, lưu mãi đến ngàn sau, sính phẩm lễ hôn nhân mâm trầu cau truyền thống, kết tinh tình cao quý, thủy chung đạo vợ chồng keo sơn nghĩa đệ huynh. * Chí thành khấn nguyện Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lão Thiên Tôn, Chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu. * Linh ứng chứng minh lễ khai lộc phù lang. * Nguyện cầu phò hộ cho đôi tân hôn ( họ tên chồng, họ tên vợ) Phù cho vật đổi sao dời. Tình chồng nghĩa vợ trọn đời bên nhau. * Phu thê giao bái: Chồng vợ cạn chung rượu trao đổi nhau và làm lễ giao bái giữ nhau. [www.cuoihoivn.com] Ngày nay các nghi thức hôn lễ có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện xã hội. Xin tham khảo thêm bài viết |
CHỮ NGHĨA MÙA CƯỚI
1. Chữ "Hôn nhân" cũng lắm rắc rối ![]() Hôn 婚 (1) Lễ con gái lấy chồng, con trai lấy vợ, vợ chồng hòa hợp gọi là hôn nhân (2) Cha mẹ vợ cha mẹ chồng cũng gọi nhau là hôn nhân (thông gia) Nhân 姻 (1) Gọi chung họ hàng bên nhà trai (2) Hôn nhân Thế nhưng tác giả Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2009 (tái bản) thì lại chú: - Hôn: cha vợ - Nhân: cha chồng Về sau trai gái kết duyên gọi là hôn nhân. (tr 828) Tác giả Trịnh Thanh Vân trong Thành ngữ - điển tích – danh nhân từ điển (NXB Văn học xuất bản năm 2008) đã viết ngắn gọn hơn: Hôn nhân: hai nhà kết hôn với nhau, tình thông gia.Các tác giả trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - chủ biên) thì cho rằng: Hôn nhân: Việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng (tr 461) Một từ trong Hán ngữ cổ thường có nhiều nghĩa. Trong số các nghĩa đó, nhất thiết phải có một nghĩa gốc, còn các nghĩa khác đều là nghĩa mở rộng. Giữa nghĩa gốc và nghĩa mở rộng thường có mối quan hệ gắn bó. Qua những cách giải thích trên chúng ta nhận thấy nghĩa gốc của từ hôn nhân phải hiểu như tác giả Bửu Kế: Hôn: cha vợ - Nhân: cha chồng. Mở rộng hơn sẽ là nét nghĩa: Hôn: bên nhà vợ - Nhân: Bên nhà chồng. Từ đó đã phát sinh nghĩa mở rộng như cách hiểu của ngày hôm nay, "Hôn nhân" là chỉ việc trai gái kết duyên. Ngoài ra, vấn đề tầm nguyên chữ Hôn nhân cũng không phải là một điều dễ dàng nhận được sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu. Trong chuyên luận Dạy và học Từ Hán Việt ở trường phổ thông, GS Đặng Đức Siêu đã từng nêu một chi tiết: "gần đây có nhà văn còn viết: "Cưới vợ thường đón dâu vào buổi chiều (hoàng hôn) nên mới gọi là hôn (lễ)" (tr 95). Và GS Đặng đã chỉ ra chỗ sai của cách giải thích trên: " có biết đâu rằng hôn trong hoàng hôn có nghĩa là tối (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như hôn quân, hôn ám…) và hôn trong lễ thành hôn hoặc hôn lễ có nghĩa là kết duyên vợ chồng" (tr 95). Tuy nhiên, học giả Đào Duy Anh, một học giả uyên thâm về Hán học lại cho rằng "Chữ hôn nguyên nghĩa là chiều hôm (TTT nhấn mạnh), xưa làm lễ cưới vào lúc chiều hôm là lúc dương qua âm lại, âm dương đương giao hoán với nhau" (Xưa và Nay, số 251 & 252 tháng 1 – 2006). Khi phân tích mặt chữ chúng ta nhận thấy cách lí giải của GS Đặng Đức Siêu có cơ sở hơn vì: chữ Hôn婚 trong hôn nhân vốn là chữ nằm trong bộ nữ 女 còn chữ hôn 惛 với nghĩa là đêm thì lại nằm trong bộ tâm忄. Và hai chữ này hoàn toàn khác nhau về nghĩa. 2. Về các từ" Vu quy", "xuất giá", "giá thú" 2.1 Vu quy Khi đi dự lễ cưới nếu như là ở bên nhà cô dâu chúng ta sẽ thấy biển đề: lễ Vu quy. Như vậy xuất xứ của từ vu quy như thế nào? Hán Việt tự điển của Thiều Chủ chú giải như sau: - Vu [于]: Ði, như "vu quy" 于歸 con gái đi lấy chồng. - Quy [歸]: Con gái về nhà chồng gọi là "vu quy" 于歸. Như vậy vu quy có nghĩa là con gái đi về nhà chồng. Trong Kinh thi 經詩, từ vu quy xuất hiệnở bài Đào yêu 桃夭 thiên Chu nam 周南 桃之夭夭、 灼灼其華。 之子于歸、 宜其家室。 Đào chi yêu yêu Chước kì hoa Chi tử vu quy Nghi kì thất gia Dịch nghĩa: Cây đào tơ xanh mơn mởn, hoa đỏ hồng rực rỡ. Cô ấy về nhà chồng, hoà hợp với gia đình nhà chồng của cô Từ từ "Vu quy" đã hình thành thành ngữ gốc Hán: "Nạp thái vu quy": có nghĩa là đưa đồ sính lễ qua nhà gái để xin rước dâu về. Định ngày nạp thái vu quy Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong (Truyện Kiều - Nguyễn Du) 2.2 Xuất giá Thành ngữ gốc Hán có câu: "Tam tòng tứ đức" để chỉ những chuẩn mực đạo đức, những ràng buộc mà người phụ nữ xưa phải tuân thủ. "Tam tòng" là "Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử" 在家從父出嫁從夫夫死從子 - Tại gia tòng phụ (在家從父): người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha. - Xuất giá tòng phu (出嫁從夫): lúc lấy chồng phải theo chồng. - Phu tử tòng tử (夫死從子): nếu chồng qua đời phải theo con trai. Như vậy Xuất giá có nghĩa là con gái theo chồng. Về từ này, các từ điển hầu như thống nhất với nhau trong cách giải thích. Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên (NXB Thuận Hóa – 2009) đã chú: - Xuất 出: ra khỏi nhà - Giá 嫁: gả Con gái ra lấy chồng (tr 2382) Các tác giả trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - chủ biên) viết: Xuất giá: Đi lấy chồng (tr 1136). Tuy nhiên khi tra tự điển của Hán Việt tự điển của Thiều Chủ, chúng ta đã bắt gặp một "mã văn hóa" khá thú vị của người Trung Hoa xưa được đan cài trong chữ giá "Giá: Lấy chồng,Kinh lễ định con gái hai mươi tuổi thì lấy chồng gọi là xuất giá 出嫁" 2.3 Giá thú Trong mùa cưới đôi khi chúng ta hay nghe từ "giá thú". Từ giá thú cũng đã từng xuất hiện trong nhan đề một quyển tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng ([3]), tiểu thuyết " Đám cưới không có giấy giá thú". Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay khi được hỏi về nghĩa của từ này thì hầu như họ không trả lời được. Tác giả Trịnh Mạnh trong Tiếng Việt lí thú (tập 2) do NXB Giáo dục ấn hành năm 2004 đã giải thích: - Giá: là con gái đi lấy chồng - Thú: là con trai đi lấy vợ ( 105) Trong Từ điển Hán Việt do NXB Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, Nguyễn Tôn Nhan chú: - Giá 嫁: con gái đi lấy chồng, con gái đi sang nhà chồng (144) - Thú 娶: lấy vợ, lấy con gái người khác về làm vợ mình (142) Qua những cách chú thích trên chúng ta nhận thấy. Ban đầu từ giá thú chỉ được hiểu với một nghĩa hẹp là chỉ việc lấy chồng lấy vợ. Tuy nhiên hiện nay, từ Giá thú cần phải được hiểu rộng hơn, Giá thú: việc lấy vợ lấy chồng được pháp luật thừa nhận([4])(TTT nhấn mạnh). Vậy nên trong tiếng Việt cũng đã xuất hiện hàng loạt những từ, những ngữ liên quan đến từ giá thú như: giấy giá thú (giấy đăng kí kết hôn), hôn nhân ngoài giá thú (hôn nhân không được pháp luật thừa nhận). Qua tìm hiểu một số từ liên quan đến việc cưới xin chúng tôi nhận thấy một điều thú vị: những chữ như: hôn婚, nhân 姻, giá 嫁, thú娶 đều liên quan đến bộ nữ 女(toàn bộ những chữ ấy đều thuộc bộ nữ女). Mặc dầu những chữ như: nhân姻, thú 娶không có nghĩa nào liên quan đến con gái sắp lấy chồng hoặc họ nhà gái cả. Điều này xuất phát từ một dấu ấn văn hoá cổ xưa của người Trung Hoa. Xã hội Trung hoa cổ đại vốn là một xã hội mẫu hệ. Thế nên việc cưới xin do người phụ nữ làm chủ. Cũng vì lí do này mà nhiều chữ Hán liên quan đến việc cưới xin đều có liên quan đến bộ nữ ([5]). 3. "Lục lễ" có nghĩa là gì? "Lục lễ" gồm: quan lễ, hôn lễ, tang lễ, tế lễ, hương ẩm lễ, tương kiến lễ. Thế nhưng trong hôn nhân "lục lễ" lại bao gồm sáu lễ như sau: - Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. - Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái. - Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. - Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, bằng chứng cho sự hứa hôn chắc chắn. - Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. - Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về. Trong Truyện Kiều, ở đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều. Với danh nghĩa cưới xin tuy nhiên gã họ Mã cũng chỉ thực hiện được hai trong sáu lễ: lễ vấn danh và lễ nạp thái. Gần miền có một mụ nào Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh Định ngày nạp thái vu quy Đám cưới Kiều diễn ra rất sơ sài, chóng vánh. Bên ngoài là đám cưới nhưng bên trong cơ hồ đã là cuộc mua bán rồi. Thế mới thấy Nguyễn Du tài hoa làm sao! 4. Về lai lịch cụm từ "tuần trăng mật" "Tuần trăng mật" là khoảng thời gian thường là một tháng sau ngày cưới của đôi vợ chồng mới. Sau lễ thành hôn trai gái thường được gia đình cho nghỉ lao động một thời gian để đi đây đi đó. Nguồn gốc chữ này có nhiều cách giải thích. Có người cho rằng tuần trăng mật là dịch cụm từ"lune de miel" của Pháp. "Lune" là mặt trăng, "miel" là mật ong. Ở Anh cũng có tục lệ sau đêm tân hôn, chàng và nàng bị nhốt trong phòng một ngày. Sau đó, bạn bè cõng ra thuyền đi ngao du, uống rượu chế bằng mật ong và hưởng tuần trăng mật([6]). Thi sĩ Xuân Diệu đã sử dụng cụm từ này hết sức sáng tạo trong câu thơ: "Của ong bướm này đây tuần tháng mật" (Vội vàng).Tuần trăng mật đã được ông thay thế bằng cụm : "tuần tháng mật". Sự thay thế này có căn cứ vì trong tiếng Hán: nguyệt ngoài nghĩa là trăng còn có nghĩa là tháng (người Trung Quốc xưa tính thời gian bằng chu kì mặt trăng quay quanh trái đất) 5. Một số câu chúc hay trong ngày cưới 5.1 Sắt cầm hảo hợp 瑟琴好合 : Quan hệ vợ chồng hoà hợp, ví như quan hệ chung hợp giữa hai loại đàn (đàn cầm và đàn sắt) trong một thú vui; phân biệt với quan hệ bạn bè được ví bằng quan hệ gần gũi của hai thú vui là cầm kì (đàn và cờ). Trong Kinh thi có câu: "Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm" 妻子好合如鼓瑟琴 (Vợ con hoà hợp như gảy đàn sắt, đàn cầm). Người sau bèn dùng hai chữ cầm sắt để chỉ tình vợ chồng: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì (Truyện Kiều) Chưa cầm sắt cũng tao khang (Truyện Hoa tiên). 5.2 Loan phượng (phụng) hòa minh 鸞鳳和鳴. Loan phượng: là chim phượng (chim trống), chim loan (chim mái). Giống chim này có đặc tính cùng chấp cánh bay đi đôi với nhau. Do đó sau người ta dùng chữ Loan phượng để chỉ việc hôn nhân, tình vợ chồng. Hoà 和: có nghĩa là cùng, minh鳴: có nghĩa là hót. Câu chúc có nghĩa chung là: Vợ chồng hoà thuận, thương yêu nhau ví như đôi chim phượng cùng hót. 5.3 Bách niên giai lão 百年偕老: Chung sống hoà hợp trọn đời bên nhau. Bách: trăm, niên: năm, bách niên: trăm năm, giai: đều, lão: già. Nguyên văn: trăm tuổi đều (cùng) già. Trong tiếng Hán giai lão đã xuất hiện rất sớm trong Kinh thi có câu: "Chấp tử chi thủ dữ tử giai lão" 執子之手與子偕老. Nghĩa là: Nắm chặt tay em, cùng em (sống) đến già. Đây là một câu trong bàiKích cổ 擊鼓, thiên Bội phong 邶風 thể hiện tâm trạng của một người nước Vệ khi đi chinh chiến xuống phía nam đã thề thốt với người yêu. Sau đó giai lão thường được dùng để nói về tình cảm vợ chồng chung thuỷ. Còn bách niên cũng dùng để chỉ về tình nghĩa vợ chồng bền chặt dài lâu: "Chữ đồng lấy đó làm ghi – Mượn điều thất tịch mà thề bách niên" (Truyện Kiều) hay"Trăm năm tính cuộc vuông tròn" (Ca dao) . Vậy nên trong tiệc cưới, người Việt cũng hay chúc:Trăm năm hạnh phúc. Trong văn chương trung đại ở một số văn cảnh "Bách niên giai lão" không chỉ dừng lại ở phạm vi là một lời chúc thuần tuý mà đôi khi nó còn được dùng với nghĩa là nói về cuộc sống gia đình hạnh phúc. Trong Dụ chư tùy tướng hịch văn諭諸裨將檄文Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết: "Bất duy dư chi thái ấp vĩnh vi thanh chiên, nhi nhữ đẳng chi bổng lộc diệc chung thân chi thụ tứ; bất duy dư chi gia tiểu đắc an sàng nhục nhi nhữ đẳng chi thê noa diệc bách niên chi giai lão" 惟余之釆邑永為青氈,而汝等之俸祿亦終身之受賜;不惟余之家小得安床蓐,而汝等之妻孥亦百年之偕老 (Dịch: Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão - Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X-thế kỉ XVII, NXB Văn hoá, H., 1962). Trong tiếng Hán cũng có một câu chúc có nghĩa tương đương với câu chúc trên: Bạch đầu giai lão 白頭偕老: chung sống hòa hợp hạnh phúc bên nhau đến khi đầu bạc. (Bạch 白: trắng, đầu頭: đầu, giai 偕: đều, lão老: già). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, NXB Thanh niên, 2002 2. Bửu Kế - Từ điển Hán Việt từ nguyên – NXB Thuận Hóa – 2009 3. Trịnh Mạnh trong Tiếng Việt lí thú (tập 2) - NXB Giáo dục - 2004 4. Nguyễn Tôn Nhan - Từ điển Hán Việt - NXB Thành phố Hồ Chí Minh - 2003 5. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992 6. Đặng Đức Siêu - Dạy và học Từ Hán Việt ở trường phổ thông, NXB Giáo dục - 2001 7. Nguyễn Như Ý – Nguyễn Văn Khang – Phan Xuân Thành - Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán – NXB văn hóa – 1997 8. Trịnh Thanh Vân - Thành ngữ - điển tích – danh nhân từ điển - NXB Văn học – 2008 Trầm Thanh Tuấn \ Trà Vinh Bài đăng trên Ngôn ngữ và đời sống số tháng 3/2011 |
Nguồn gốc, ý nghĩa chữ SONG HỶ 囍 (Song hỷ lâm môn)
![]()
Vương An Thạch đời nhà Tống, năm 20 tuổi đi lên kinh đô để thi Trạng nguyên, dọc đường dừng chân nghỉ tại một thị trấn có trang viện của Mã Viên ngoại. Vương An Thạch thấy trước nhà có treo một cái đèn kéo quân, trên đó có dán một vế câu đối: 走馬燈,燈馬走,燈熄馬停步
Vế đối còn chờ người. Vương An Thạch xem xong nói: - Câu nầy dễ đối thôi. Nói rồi liền bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì cậu thiếu niên Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô. Nơi trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, rồi bảo Vương qua thi vấn đáp. Quan Chủ khảo thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, liền nghĩ ra vế đối: 飛虎旗,旗虎飛,旗捲虎藏身
Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại, nếu đem đối vào đây thì rất hay và rất chỉnh, liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe: Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ. Quan Chủ khảo không ngờ Vương An Thạch có tài ứng đối mau lẹ như vậy, câu đối rất chỉnh, nghĩa lý xuất sắc. Thế là Vương An Thạch coi như đã thi đậu đầu trong kỳ thi ấy, chỉ chờ chánh thức đăng tên lên bảng vàng và giấy báo mà thôi. Vương An Thạch trở về quê nhà, đi ngang qua nhà Mã Viên ngoại, người nhà của Mã Viên ngoại nhận biết Vương là người mà trước đây đã nói rằng vế đối dán trên đèn kéo quân dễ đối thôi, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại. Mã Viên ngoại yêu cầu Vương đọc vế đối. Vương liền lấy vế đối của quan Chủ khảo đọc lên: Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân. Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh rất khéo, nên nói với Vương An Thạch rằng: - Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt. Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang. Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, và ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại. Cũng ngay trong ngày đám cưới đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được chấm đậu Trạng nguyên, được triều đình đòi lên kinh đô lãnh chức. Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: một là cưới được vợ tài giỏi giàu có, hai là được chấm đậu Trạng nguyên. Vương An Thách rất hứng chí, lấy giấy viết lớn hai chữ HỶ (囍) dán trước nhà và ngâm: Vận may đối đáp thành song hỷ,
HAI CHỮ HỶ ĐƯỢC TRANG TRÍ, BIẾN HÓA, CÁCH ĐIẸU RẤT PHONG PHÚ
Ngày nay biểu tượng SONG HỶ không chỉ được viết 2 CHỮ HỶ theo các kiểu "Chân, Khải, Lệ, Triện" mà được trang trí, biến tấu, cách điệu rất phong phú. Link download ở phía dưới Vector tất cả những chữ song hỷ dùng cho trang trí đám cưới với những họa tiết sắc xảo độc đáo dạng vector dùng cho trang trí đám cưới ![]() ![]() Link mediafire file coreldraw chữ song hỷ ở đây: http://www.mediafire.com/download.php?03a80uczv66p4sl ![]() ![]() ![]() Các tìm kiếm liên quan đến thiep cuoi |
Phong tục cưới hỏi theo "Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính"
1. Nam nữ thụ thụ bất thân nghĩa là gì?Đây là câu nói cửa miệng, quen dùng chỉ mối quan hệ nam nữ theo quan niệm của nhà nho. Người đàn ông và người đàn bà ngày xưa trao cho nhau cái gì, nhận của nhau cái gì, đều không trực tiếp tận tay, sợ bấm nháy, ra hiệu gì với nhau chăng? (Hai chữ "thụ thụ" trái ngược nghĩa: một chữ "thụ" là trao cho, một chữ "thụ" là nhận). Hai người muốn mời nhau ăn trầu, thì người chủ têm trầu, xếp vào cơi trầu, đặt giữa bàn, khách tự nhặt lấy mà ăn. Lễ giáo phong kiến thật khắt khe, việc tỏ tình yêu trực tiếp khó mà thực hiện được, họa chăng chỉ còn đôi mắt thầm lén nhìn nhau! Người châu Âu từ nhỏ đến già, theo phép lịch sự bắt tay nhau, nhảy với nhau là chuyện thường. Nhưng, người Việt Nam và người á Đông nói chung, nam nữ vô ý chạm vào da của người khác giới thì coi như có cử chỉ không đứng đắn. Người đàn ông có thái độ suồng sã sẽ bị đàn bà xa lánh, nhưng không đáng lo bằng người con gái lẳng lơ, bị xã hội dèm pha thì khó mà lấy được tấm chồng cho đáng tấm chồng. Vì vậy các nhà quyền quý thường "cấm cung" con gái. Ngay từ tuổi thơ đã sớm hình thành sự ngăn cách giới tính. Thời phong kiến xưa, chỉ những người có tư tưởng tân tiến mới cho con gái đi học, và có đi học thì con trai ngồi riêng con gái ngồi riêng. Trai gái đi cùng nhau, vui chơi cùng nhau bị bạn bè cùng lứa chế nhạo. Có hội hè đình đám cũng phải phân biệt đàn ông đứng bên trái, đàn bà đứng bên phải. ở thành thị, vợ chồng nằm ngủ với nhau một giường là chuyện bình thường, nhưng xin các bạn lưu ý, ở nông thôn đàn bà nằm nhà trong, đàn ông nhà ngoài đã trở thành nếp rồi. Ngày xưa, phổ biến mọi nơi đều thế, ngày nay lệ đó vẫn còn ở nhiều vùng, nhiều nhà. Nếu các bạn có dịp về thăm bà con họ hàng ở quê thì tốt nhất hai vợ chồng nên tránh nằm chung giường kẻo các cụ còn cảm thấy chướng mà phật ý. 2. Mối lái là gì?Trong xã hội phong kiến xưa "Nam nữ thụ thụ bất thân" nên hôn nhân cần phải người môi giới. nếu yêu nhau, cưới hỏi không cần mối lái sẽ bị chê trách là "Phải lòng nhau" "Mắc phải bùa yêu". Nguyễn Du đã vạch đường cho Kim Trọng. Thuý Kiều cứ yêu nhau rồi sẽ "Liệu bài mối manh" nên các cụ nhà nho mới kịch liệt phản đối khuyên con cháu rằng: "Đàn ông thì chớ Phan Trần, Chu Mạnh Trinh vịnh Kiều còn nói: "Chỉ vì một tội mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều; trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi"...Nếu không có "Nhà băng đưa mối" thì nhà trai làm sao biết được người thục nữ trong cửa các phòng khuê. Trong xã hội cũ, có những người chuyên làm nghề mối lái, nếu đẹp đôi vừa lứa thì bà mối sẽ trở thành ân nhân suốt đời. lễ tơ hồng xong, tạ bà mối một nửa mâm xôi, nửa con gà kèm theo chiếc áo lụa. Chẵn tháng con đầu lòng thế nào cũng cố mời bà mối đến dự, để tỏ nghĩa tri ân. Nhưng cũng có nhiều tai hoạ do những bà mối có động cơ bất chính gây nên, để đôi trẻ suốt đời mang mối hận vì phận hẩm duyên hiu: ..."Hoặc là bởi "Mẹ thầy lộn quýt", quên những
thói mơ tôm mảng cá, qua lại ít nhiều ngọt miệng, ép uổng duyên cô nông nỗi thế,
nặng tiền tài mà nhẹ gánh tình chung. Hay vì chưng "Mối lái đèo bòng", chẳng
nhằm khi vào lộng ra khơi, nói phô mật ngọt rót vào tai, dỗ dành phận gái ngẩn
ngơ tình, già nhân sự để non quyền tạo hoá"... ở xã hội mới cũng cần có bà mối, bà mối thời nay là người cố vấn, người đỡ đầu cho đôi trẻ xây dựng hạnh phúc lâu dài. trong tương lai, có lẽ vai trò của bà mối là những phương tiện thông tin đại chúng (như quảng cáo trên Đài truyền thanh truyền hình, báo chí, chụp ảnh) và những công ty du lịch, câu lạc bộ những người độc thân... 3. Lễ vấn danh có ý nghĩa gì?"Lễ vấn danh" là lễ nhà trai đến nhà gái để hỏi tên tuổi cô gái, ngày nay gọi là lễ "Chạm ngõ" hay là lễ "Dạm" (có nơi kiêm cả lễ dạm và hỏi cùng một lúc gọi là lễ dạm hỏi). Truyện Kiều có câu "Tiện đưa canh thiếp trước cầm làm ghi". "Canh thiếp" là giấy ghi họ tên, tuổi, quê quán, con ai. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ở nhiều vùng nông thôn, con gái từ khi sinh đến khi lấy chồng vẫn chưa đặt tên, nếu như gia đình không cho con gái đi học. Con gái không cần vào sổ họ, sổ làng, không đi học nên cũng không cần dặt tên vội. ở trong nhà con gái mới sinh ra được gọi là con Hĩm, con Mực, con Chắt em...Trong nhà gọi tên gì thì xóm giềng gọi theo tên đó. Đến làm lễ vấn danh, ông bác hoặc bố mới đặt cho cái tên để ghi trong giấy hôn thú, có khi chính người mang tên cũng không biết mình mang tên gì trong giấy hôn thú, vì khi về nhà chồng lại gọi theo tên chồng, khi có con gọi theo tên con, có cháu đích tôn gọi theo tên cháu. Lễ vấn danh không phải để hỏi tên mà chủ yếu là hỏi tuổi, để hai họ quyết định đôi nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, tuổi xung khắc thì thôi. Trong hôn nhân xưa chỉ chú trọng có môn đăng hộ đối hay không, có hợp tuổi hay không, gia đình nào thận trọng mới tìm hiểu kỹ "Công, dung, ngôn, hạnh" (thường là các gia đình gia giáo). Chẳng những các chàng trai, trước khi cưới chưa biết mặt vợ, mà có những ông bố chồng là người chủ động đi hỏi dâu cũng không biết mặt con dâu, do đó trong gia đình sau này mới xảy ra nhiều chuyện oái oăm: -"Cảm ơn ông bà thương đến, tôi xin đồng ý gả, nhưng xin thưa chuyện trước: con tôi mồm mép chẳng bằng ai!" Tưởng như vậy là mình tìm được con dâu hiền hậu, không đanh đá chua ngoa, ai ngờ cưới về mới biết con dâu sứt môi!. Nhưng đã nhỡ việc, biết tính sao? Lại có trường hợp đánh tráo: Khi đi hỏi thì cho thằng em nhanh nhẹn và "sạch mặt" hơn đóng vai chàng rể, đến khi cưới thì lại cưới cho thằng anh đần độn, xấu xí. "Miếng trầu để dâu nhà người", biết tính sao đây? Dầu sao cũng mang tiếng một đời chồng. ![]() 4. Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống có đúng không? có cần thiết không?Đối với các cụ thì câu hỏi này thừa, vì "Nòi nào giống ấy","Cây nào quả ấy","Giỏ nhà ai quai nhà ấy","Con nhà công chẳng giống lông cũng giống cánh", "Tìm nơi có đức gửi thân", ai chẳng muốn có trai hiền gái đảm, rể thảo dâu hiền. Thời nay, một số bạn trẻ coi thường cho là phong kiến lạc hậu. Có những đôi trai gái mới chỉ gặp nhau trên một đoạn đường, đã vội đính ước, tính chuyện vuông tròn, thậm chí họ đã biết rõ cả "Ngọn nguồn lạch sông"!!!Đành rằng cũng có trường hợp "Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên", song thành công là cá biệt, thất bại là phổ biến. "Tìm tông, tìm họ" không có nghĩa là tìm chốn sang giàu, khinh người nghèo khó, mà chủ yếu là tìm nơi có gia giáo, có đức độ. "Cha mẹ hiền lành để đức cho con","Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Con người sinh ra lớn lên do nhiều yếu tố xã hội chi phối, nhưng nam nữ thanh niên mới lớn lên, trường đời chưa từng trải, giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng và chủ đạo. Hôn nhân là việc hệ trọng, tác động cả đời, mà con người rất dễ mù quáng trong tình yêu. Qua tuần trăng mật không phải mọi việc trong quan hệ vợ chồng đều suôn sẻ. khi có những việc khó khăn, trục trặc trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm điều hay lẽ phải để giải quyết cho thoả đáng. Lúc đó cần dựa vào "Tông", vào họ hàng, tìm những tình cảm chân thành và tri thức đúng đắn. "Môn đăng hộ đối", tức là tìm nơi hai gia đình, hai bên thân thuộc, có những mặt cân đối phù hợp với nhau, chứ đâu phải bắc bậc leo thang, kẻ khinh người trọng. Ngoài ra còn một yếu tố nữa: Tính đến gien di truyền. Ngày xưa trong một vài hoàn cảnh đặc biệt có ông chồng thoả thuận ngầm với vợ đi "Xin nòi". Xin lưu ý: những người đàn bà đó không thuộc loại lẳng lơ đâu - ta cũng chỉ cần biết nói nhỏ với nhau thôi và nhấn mạnh "Hoàn cảnh đặc biệt"! 5. Người trong cùng họ có lấy nhau được không?ở các nước Âu Mỹ, anh chị em con chú bác ruột vẫn có quyền lấy nhau, qua tác phẩm "Ơgiêni Grăngđê" ta thấy mối tình giữa hai anh em con chú bác ruột Grăngđe và Ơgiêni sở dĩ trắc trở là do thói keo kiệt biển lẩn của lão Grăngđê, chứ tác giả không đả động đến vấn đề chung huyết thống. Trung Quốc là một nước chịu ảnh hưởng của văn hoá phong kiến nặng hơn ta nhiều, nhưng anh chị em con cô, cậu ruột, con dì ruột vẫn được lấy nhau. Xem Bảo Thoa, Bảo Ngọc... trong "Hồng Lâu Mộng" yêu nhau, lấy nhau là chuyện bình thường. ở nước ta, dưới triều Trần, con cháu nhà vua chỉ được lấy người trong Hoàng tộc (lấy sang họ khác sợ bị nạn ngoại thích cướp ngôi). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa, tức là cô ruột của mình. Vua Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm Hoàng hậu, tức chị con bác ruột. Vua Trần Minh Tông lấy Lệ Thánh Hoàng hậu, tức con chú ruột, đều là cháu nội vua Trần Nhân Tông vv... Còn trong dân gian từ triều Lê về sau, nếu trong họ nội thân cùng quê mà lấy nhau gọi là hôn thú, họ hàng không chấp nhận. Nếu cùng họ nhưng đã xa đời, thuộc chi khác nhau hay đã xa quê (gọi là biệt tổ ly tông) thì vẫn lấy nhau được. Thời xưa, do trọng nam khinh nữ, hoặc thiếu hiểu biết về gien di truyền, nên anh chị em con cô, cậu ruột coi như khác họ vẫn có quyền làm thông gia với nhau. Ca dao tục ngữ trong dân gian còn ca ngợi trường hợp cháu cậu mà lấy cháu cô, coi như "Thóc lúa trong bồ, giống má nhà ta". Nhưng di truyền học đã khẳng định rằng người có chung huyết thống mà có con với nhau thì qua nhiều đời dòng giống bị thoái hoá, có trường hợp bị quái thai, vì vậy anh em họ lấy nhau, kể cả họ nội hay họ ngoại đều không có lợi. Luật pháp nước ta qui định cùng chung huyết thống ba đời, kể cả bên bố hay bên mẹ, đều không được lấy nhau. 6. Sự tích tơ hồng"Tơ hồng Nguyệt lão thiên tiên" dựa theo tích Vi Cố gặp ông lão trong một đêm trăng, ngồi kiểm sách hướng về phía mặt trăng, sau lưng có cái túi đựng đầy dây đỏ. Ông lão bảo cho biết đây là những văn thư kết hôn của toàn thiên hạ. Còn những dây đỏ để buộc chân những đôi trai gái sẽ thành vợ thành chồng. Một hôm, Vi Cố vào chợ gặp một bà già chột mắt ẵm đứa bé đi qua. Bỗng ông già lại hiện lên cho biết đứa bé kia sẽ là vợ anh. Vi Cố giận, bảo đày tớ tìm giết đứa bé ấy đi. Người đầy tớ lẻn đâm đứa bé giữa đám đông rồi bỏ trốn. Mười bốn năm sau, quan Thứ Sử Trương Châu là Vương Thái gả con gái cho Vi Cố. Người con gái dung nhan tươi đẹp, giữa lông mày có đính một bông hoa vàng. Vi Cố gạn hỏi, vợ mới bảo: Thuở còn bé, một bà vú họ Trần bế vào chợ bị một tên cuồng tặc đâm phải. Vi Cố hỏi: Có phải bà vú đó chột mắt không? người vợ bảo: Đúng thế! Vi Cố kể lại chuyện trước, hai vợ chồng càng quý trọng nhau cho là duyên trời định sẵn. Mẩu chuyện vui: Tình yêu làm cho con người lú lẫn. ..."Tâu Thượng đế, theo hạ thần thì thượng đế không cần đòi lại trí khôn của con người. làm như thế không khỏi mang tiếng là trời nhỏ nhen. Điều mà thượng đế nên làm là hạn chế trí khôn của con người." -"Bằng cách nào"? -"Chỉ có tình yêu-Không có gì làm con người lú lẫn đi như trong tình yêu. Trời chỉ cần phái một vị thần mang vòng dây xuống trần, cứ đôi trai gái nào ở gần nhau thì quăng cho một vòng. Người nào càng thông minh thì cần quăng thêm cho nhiều vòng. Con người chỉ luẩn quẩn trong những vòng ấy mà chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện lên quấy nhiễu nhà trời nữa". Trời khen "Thật là diệu kế"!, bèn truyền cho ông tiên già mang những chiếc vòng của trời xuống trần gian. Từ ngày bị ông tiên già khoác vào người mình những vòng dây tình ái, con người chỉ luẩn quẩn với nhau, không còn nghĩ tới chuyện đánh nhau với trời nữa. Ông tiên già ấy được gọi là ông "Tơ" . 7. Tục thách cưới hay dở ra sao ?Đã "Thách" là dở hoặc dở nhiều mà hay ít. Thời nay tôn trọng tự do luyến ái hôn nhân, luật hôn nhân trong chế độ mới đã giải phóng cho nam nữ thanh niên, nhưng luật tục còn gò bó, trói buộc. thách cưới cũng là một lệ tục lạc hậu rơi rớt lại, trói buộc cả nhà trai lẫn nhà gái, có khi làm cho chàng rể phải bỏ cuộc mà nỗi thiệt thòi nhất lại rơi vào thân phận người con gái, dẫu sao cũng mang tiếng một đời chồng, dẫu sao cũng làm cho những chàng trai khác phải ngại, xui nên phận hẩm duyên hiu. Ngay thời trước cũng đã có câu: "Giá thú bất luận tài". Đáng lẽ nên vợ nên chồng, thành gia thành thất, là mừng cho cả hai gia đình, nhưng gặp phải một vài bà cô, ông bác bên nhà gái khó tính, thách cưới nào quần áo, nón dép, nào rượu bánh cau trầu, che thuốc, nào nếp tẻ, lợn gà, nào nhẫn xuyến, hoa tai, tiền mặt, lại còn tính đủ cỗ dâu cỗ cưới bao nhiêu mâm, nên nhà trai phải bỏ cuộc. Cũng có đám nhà trai phải chạy ngược chay xuôi, lo xong việc rồi kéo cày trả nợ; song, ngay từ buổi thành hôn, nghĩa vợ chồng, tình thông gia đã bị sứt mẻ, đó là mầm mống gây nhiều bất trắc về sau. Cũng có trường hợp, nhà gái túng thiếu không đủ tự lực cung cấp cho đủ cái lệ làng "Trả nợ miệng", đòi hỏi nhà trai phải lo chu toàn. Cũng có trường hợp, bố mẹ cô dâu còn phải xuất ra gấp năm gấp mười lần và sau khi thành thân còn cho con gái, con rể nhiều thứ, nhưng cũng thách cưới cao để tránh tiếng xì xào, đàm tiếu, cho rằng con mình dở duyên rồi, nên phải cho không. "Hay ít" là để dành cho những gia đình có học thức, không thách tiền, thách của mà thách chữ nghĩa văn chương với ý đồ chọn rể con nhà gia thế, với hy vọng tương lai con mình còn được "Lọng anh đi trước võng nàng theo sau" chứ không đến nỗi phải rơi vào những anh chàng "Vai u thịt bắp" nơi "Nước mặn đồng chua" 9. Tiền nạp theo (hay treo) là gì?Tiền "cheo" là khản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp cheo song có giảm bớt. Xuất xứ của lệ "Nạp cheo" là tục "Lan nhai" tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Đầu tiên thì người ta tổ chức đón mừng hôn lễ, người ta chúc tụng, có nơi còn đốt pháo mừng. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu cũng đưa trầu cau ra mời, đưa quà, đưa tiền biếu tặng. Dần đần có những người làm ăn bất chính, lợi dụng cơ hội cũng chăng dây, vòi tiền, sách nhiễu, trở thành tục lệ xấu. Vì thói xấu lan dần, gây nhiều cản trở, triều đình phải ra lệnh bãi bỏ. Thay thế vào đó, cho phép làng xã được thu tiền cheo. Khi đã nạp cheo cho làng, tức là đám cưới được làng công nhận có giấy biên nhận hẳn hoi. Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, thì tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Nạp cheo so với chăng dây là tiến bộ. Khoản tiền cheo này nhiều địa phương dùng vào việc công ích như đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng...Nhưng nhiều nơi chỉ cung đốn cho lý hương chè chén. Đã hơn nửa thế kỷ, lệ này bị bãi bỏ rồi. Thanh niên ngày nay chỉ còn thấy bóng dáng của tiền cheo qua ca dao- tục ngữ.
Thật quá cường điệu, Chứ tiền cheo không thể vượt quá tiền cưới. 10. Những cách gỡ bí cho bạn trẻ khi lo đám cướiĐáng lẽ mừng đám cưới như tục lệ trói buộc thành ra lo đám cưới. Tục cũ đã truyền nhiễm lâu không dễ một mai đổi ngay được. Vậy phải làm thế nào? Để giúp các gia đình cưới dâu, một số gia vùng nông thôn có tục góp lễ cưới: đầu năm gia đình báo cho họ hàng xóm giềng biết dự định cưới dâu vào tháng nào, thông thường vào sau vụ thu hoạch. Lần lượt các gia đình đóng góp các khoản gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, rượu hoặc tiền theo định lượng. Còn lợn gà thì gia đình nào tự liệu cho gia đình ấy. Tục góp cưới cũng giống như hội tương tế tương trợ, hội cày cấy, hội lợp nhà... luân phiên các gia đình. Đây là một tục hay, cùng nhau lo dần đến lượt mình đỡ phải lo những khoản lớn. Tiền, quà cưới của khách, bạn đưa tới thực chất cũng là hình thức góp lễ cưới, nhưng không chủ động được kế hoạch, thứ có không cần, thứ cần không có, thành ra tốn kém. Lệ chơi họ ngày nay, chung vốn để kinh doanh buôn bán cũng là xuất phát từ hình thức góp tiền nhau để làm nhà cưới vợ, tậu trâu bò ở nông thôn. Vì xuất phát từ họ hàng giúp nhau nên mới gọi là chơi họ. Nếu Đoàn Thanh niên địa phương nào vững mạnh, cán bộ đoàn công tâm liêm khiết tháo vát, tổ chức "Hội chơi họ cưới vợ" có kế hoạch quản lý kinh doanh sử dụng phân phối chặt chẽ, ắt được nhiều bạn thanh niên hưởng ứng, tham gia...Bước đầu cũng đã có một số địa phương tổ chức "Dịch vụ đám cưới" như mua sắm cho thuê quần áo cưới, bát đĩa, ấm chén bàn ghế, phông màn, tổ chức trang trí, chụp ảnh, ca nhạc...vừa kinh doanh gây quỹ, vừa phục vụ thuận tiện, có chế độ ưu đãi với người góp cổ phần,với Đoàn viên. 12. Cô dâu trước khi về nhà chồng phải có những thủ tục, động tác gì ?Khi nhà trai bắt đầu đến đón dâu thì cô dâu cùng với chú rể đến trước bàn thờ gia tiên, khấu đầu làm lễ, tự khấn niệm xin tổ tiên chấp nhận kể từ nay nên vợ nên chồng, phù hộ cho trăm năm duyên ưa phận đẹp, cầm sắt giao hoà. Cũng có thể nhờ gia trưởng khấn hộ cho có bài bản hẳn hoi. Lễ xong, hai người đưa hộp trầu, bao thuốc, đi mời chào thân nhân, khách, bạn khắp một lượt, người nhà sau, những đám cưới có tổ chức thường đã có sự sắp xếp vị trí sẵn. Trong khi chào mời, cô dâu phải giới thiệu cho chàng rể biết mối quan hệ để biết cách xưng hô. Sau cùng, trước khi bước ra cửa để về nhà chồng là lễ tạ cha mẹ: Cha mẹ ngồi sẵn một phía ở cửa chính, nếu ông bà nội ngoại còn thượng tại có đến dự thì ông bà cũng ngồi chung một phía, nhưng ở ghế cao hơn. Thời xưa cả đôi tân hôn phải lạy hai lạy, ngày nay châm chước, cúi đầu cung kính "Xin phép ông bà, cha mẹ con về nhà chồng", "Xin phép ông bà, cha mẹ con xin đón em X về". Lúc đó, cha mẹ ban phát cho con gái, con rể một vật gì đó làm kỉ niệm, có thể là nột cái bút, một gương soi nho nhỏ, một cuốn sách hoặc một chiếc khăn, chiếc quạt.... Nhà giầu còn cho thêm hoa tai, nhẫn cưới hoặc quan tiền... (Chú ý, những thứ này nhà trai đã đưa đến hôm lễ nạp tài. Trong gói quà của bà mẹ cho con gái có cái châm cài tóc, hoặc bảy chiếc kim đính tóc hoặc kim khâu gói trong khăn vuông). Đối với ông bà cũng có những động tác tương tự. 13. Mẹ chồng làm gì khi con dâu bắt đầu về nhà?Phong tục ở mỗi địa phương một khác, trái ngược nhau nhưng đều có ý nghĩa hay: Ngày xưa ở nhiều địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh có lệ tục mẹ chồng ra cất nón cho con dâu: Nhà trai đặt sẵn trước ngõ một cái nồi đồng, một cái gáo, trong nồi đặt sẵn một quan tiền đồng và đựng đầy nước trong. Cô dâu vào đến cổng dùng gáo múc nước rửa mặt mũi, chân tay, mẹ chồng bước ra cất nón cho con dâu. Con dâu, một tay cầm lấy quan tiền, một tay vẫn cầm quạt che mặt. Mẹ chồng dắt con dâu vào nhà đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ, cúi đầu lễ gia tiên (bốn lạy ba vái theo tư thế của nữ). Sau đó mẹ chồng dắt cô dâu cầm cả tiền và quạt vào buồng. Trong buồng đã chuẩn bị sẵn trầu nước hoa quả, giường chiếu mới. Đôi chiếu trải úp vào nhau, do một người thân trong họ có tuổi tác, vợ chồng song toàn, con cháu đông, làm ăn nên nổi, được gia đình mời đến trải chiếu; nếu mẹ chồng có đủ tiêu chuẩn trên thì mẹ chồng trực tiếp dọn giường trải chiếu, nhưng bố chồng thì không được. Khi con dâu nghỉ ngơi xong, khăn yếm chỉnh tề mới bưng hộp trầu ra chào họ. Trường hợp mẹ chồng đã mất thì một bà cô hay bà dì thay thế. Phong tục này có nhiều ý nghĩa: Tại sao mẹ cô dâu kiêng không đi đưa dâu?Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau; mẹ thương con còn thơ dại, cũng mủi lòng sụt sùi khóc. Thế là, trong khi hai họ đang vui mừng yến ẩm ở nhà ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về. Tan tiệc, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám đại loại như vậy người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, dần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ. Một vài địa phương, cả bố cô dâu cũng không đi đưa dâu với lý do con mình đã gả bán cho người. Tuy rằng trong văn sách có ghi "Giá thú bất luận tài" nghĩa là không bàn đến tiền tài trong việc cưới hỏi, nhưng không hiểu vì sao trong ngôn ngữ Việt Nam lại kết hợp "Gả bán" liền nhau. Thời nay hôn nhân tự do, trai gái tìm hiểu, yêu nhau kết hôn trên cơ sở tình yêu đôi lứa, cha mẹ chỉ tham gia góp ý, hướng dẫn, vậy thì cha mẹ có nên đến dự lễ vui của hai con không? Đã có nhiều đám cưới ngày nay bỏ tục kiêng này. Tại sao trong gói quà mẹ cho con gái trước giờ vu quy có một chiếc trâm hay bảy chiếc kim?Chúng tôi chưa được biết một tài liệu thành văn nào nói về tục này, có lẽ vì các cụ nhà nho ngày xưa đã cầm bút là phải viết những lời thanh nhã. Tục này chỉ là một thứ bí truyền do người mẹ thủ thỉ "tâm sự" ngầm với con gái vào buổi trước khi về nhà chồng. Thời trước, cô dâu quấn khăn nhiễu trên đầu, có đính mấy chiếc kim trên khăn là đủ hiểu rồi. Vì không có tài liệu thành văn, vì có những trường hợp mẹ mất sớm hoặc đám cưới xa quê vắng mẹ, nên nhiều bà mẹ thời nay (vốn là cô dâu ngày trước) không biết để truyền tiếp cho con gái. Xuất sứ của tục này là đề phòng tai biến "Phạm phòng". "Phạm phòng"là gì? Nói thô tục là chết ngay trên bụng vợ ngay khi quan hệ vợ chồng. Ca dao tục ngữ có câu "nhất phạm phòng, nhì lòng lợn" có nghĩa là: Được ăn lòng lợn ngon miệng, dẫu chết cũng sướng. Chàng rể qua mấy ngày đêm lo lắng, chạy ngược chạy xuôi, bận rộn, vất vả, đêm tân hôn là đêm xao xuyến, rạo rực nhất, lại thêm mấy chén rượu ngà ngà say, đến một thời điểm cảm xúc quá đà, nếu người có thể chất và tâm thần suy tổn nhiều thì lúc xuất tinh, thần kinh từ trạng thái hưng phấn quá độ chuyển thành ức chế quá độ, dễ bị phạm phòng, nếu người vợ không biết xử lý kịp thời có thể người chồng chết trên bụng vợ. Hầu như không có trường hợp người phụ nữ bị phạm phòng. Trong lúc giao hợp, cửa buồng đóng kín, thân thể loã lồ, lại thêm tâm lý e thẹn xấu hổ, sợ hãi, nếu người vợ thả người chồng ra, để dương vật thoát ra ngoài, mất sự điều hoà khí âm khí dương thì khó lòng cứu chữa. Lúc đó, sẵn có cái trâm cài trên đầu hoặc mấy chiếc kim đính ở vành khăn, người đàn bà một tay vẫn ôm riết lấy phía dưới lưng chồng một tay lấy chiếc trâm hoặc kim chích vào phía dưới hố xương chậu, phía trên hậu môn, kích thích đến lúc nào người chồng tỉnh lại. Người con trai nào có lông ở đít thì giật lông. Nếu chưa tỉnh thì tiếp tục châm kim, lấy mùi xoa trắng hoặc lấy giấy bản chấm thử, hễ thấy có máu chảy là chữa được. Trong phòng đôi tân hôn nên để ngọn đèn con nhằm tạo thêm khoái cảm, mặt khác cũng vì mục đích đó nữa, nhưng vẫn chú ý phải ôm riết chồng trên bụng. Chúng tôi không đi sâu vào lĩnh vực y dược, song có phương thuốc được lưu truyền trong dân gian: Cứt chuột và lá hẹ giã nhỏ, người đàn bà ngậm rồi trúm vào miệng chồng, vì lúc đó người chồng đang nằm sấp rất khó đổ thuốc. Trường hợp nhẹ, người đàn ông vẫn còn tỉnh nhưng cơ thể liệt nhược sau khi giao hợp, gọi là phòng thất, phải uống thuốc bổ dương một thời gian sau mới hồi phục sức khoẻ. Còn tại sao lại 7 chiếc kim: Theo quan niệm cổ truyền " Nam thất nữ cửu" (đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía). Vì để phòng xa , dùng cho con rể nên bà mẹ vợ chỉ đưa 7 chiếc kim - chứ không phải dùng cho con gái vì con gái không bị phạm phòng. Trong hàng vạn trường hợp mới có một trường hợp là phạm phòng, nhưng các bạn trẻ cũng nên biết trước để khi ngộ sự biết chủ động xử lý. Điều cần thiết là phải cùng nhau hiểu biết, thông cảm mà phòng ngừa, nhất là trong tuần trăng mật hoặc vợ chồng cách xa nhau lâu ngày về gặp nhau. Các bạn gái vì e thẹn xấu hổ nhất thời mà mang lại mối ân hận suốt đời. Giới thiệu thêm phương thuật chữa tai biến phạm phòng: Khi nam nữ giao hợp với nhau, khoái cảm lên đến cực độ, tinh khí xuất quá nhiều, có thể chết (chết trên bụng vợ). Khi xảy ra như thế, nhất thiết không được đẩy rời nhau ra (dù là xấu hổ cũng phải để nguyên như tư thế đang giao hợp). Nếu đàn ông xuất tinh quá nhiều bị thoát, thì người đàn bà phải chúm miệng thổi hơi nóng của mình vào miệng chồng, nếu đàn bà bị thoát hết khí, thì đàn ông cũng làm như vậy, để tống hơi nóng của mình vào miệng vợ. Tống hơi nóng như vậy mấy chục lần, dương khí sẽ dần trở lại. Trong khoảnh khắc cấp bách giành giật giữa cái sống và cái chết như vậy, để bảo vệ điều hoà hai khí âm dương, chẳng những không được hoảng hốt rời khỏi giường, mà không để cho dương vật thoát ra khỏi âm hộ, nên phải ôm chặt lấy phần nửa mình phía dưới, Người đã ngất lịm rồi không biết gì nữa, hoàn toàn phải do người sống chủ động ôm riết lấy, để cho khí không tuyệt hẳn, phải tống khí liên tục cho đến khi sinh khí của người kia tỉnh lại mới thôi. Cách tống khí: Phải chúm miệng lại, đưa được khí từ hạ đan điền(1) lên, truyền qua miệng tống khí vào đến yết hầu người kia theo nhịp thở. Cách này cả trai và gái đều nên biết. Sau khi dương khí đã hồi phục phải dùng bài "Nhân sâm phụ tử thang"(2). Nếu nhà nghèo không có nhân sâm, thì cấp tốc dùng 4 lạng hoàng kỳ, 2 lạng đương quy, 5 đồng cân phụ tử, sắc uống cũng có thể cứu sống được. Trường hợp người đàn ông xuất tinh quá nhiều khí hết, mà đã nhỡ đẩy ra rồi, thì phải cấp tốc vực ngồi dậy ôm choàng lấy mà tống khí vào miệng, nếu khí qua miệng khó vào thì dùng ống thông hơi hai đầu đút vào miệng mà thổi, miễn sao hơi vào được qua cuống họng. Có thể mượn người đàn bà, con gái mạnh khoẻ khác hà hơi, không nhất thiết phải là người vợ hoặc người đàn bà vừa giao hợp. Đó là cách lấy người để chữa người, khả năng sắp chết vẫn cứu sống được. (1) Hạ đan điền: vùng bụng dưới
rốn. (2) Nhân sâm phụ tử nhang: Phụ tử: 1 đồng cân. Phục linh: 7,5 phân. Nhân sâm: 1 đồng cân. Bạch truật: 1 đồng cân. Bạch thược: 1,5 đồng cân 16. Tại sao phải có phù dâuTục lệ xưa cần có phù dâu vì hôn ngân cưỡng ép, do cha mẹ định đoạt, nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam nam thập lục", con giá mười ba tuổi về nhà chồng đã biết gì đâu! do đó cô dâu phải có người dẫn dắt. Người dắt cô dâu gọi là phù dâu. Ngày xưa phù dâu phải là người cô, người dì hay chị em thân thiết của cô dâu, có khả năng thuyết phục, bày vẽ cho cô dâu, được cô dâu kính nể, mến phục, được bố mẹ cô dâu ủy thác. Người phù dâu phải là người may mắn, tốt phúc, duyên ưa, phận đẹp, con gái lành mạnh ngoan ngoãn, gia đình êm ấm, đề huề có thể truyền kinh nghiệm làm dâu, làm mẹ, làm vợ cho em, cho cháu mình. Phù dâu nhiều khi còn phải ở lại năm bảy ngày sau để cho cô dâu đỡ buồn và để chỉ bảo kinh nghiệm. Thông thường phù dâu cũng trở lại với dâu rể trong lễ lại mặt. Đám cưới ngày xưa phải có phù đâu, không định lệ, và cũng không có danh từ "Phù rể". Đám cưới ngày nay, nhiều nơi có cả phù dâu, phù rể, có đám mời đến năm sáu đôi phù đâu phù rể toàn là trai thanh, gái lịch, chưa vợ chưa chồng. Có lẽ chủ yếu để cô dâu thêm bạn, chú rể thêm bầu. Hay phải chăng ngày nay chàng rể bẽn lẽn e thẹn hơn xưa, nên phải có người dẫn dắt. Hay đám cưới trước thường sinh ra nhiều đám cưới sau nên phải chăm lo đào tạo những cô dâu, chú rể tương lai. 17. Lễ lại mặt có ý nghĩa gì?Lễ thành hôn, tơ hồng, hợp cẩn xong xuôi, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên ông bà cha mẹ, đi chào họ hàng thân nhân bên nhà gái sau đó đón bố mẹ và vài thân nhân sang nhà chú rể. Kể từ buổi đó, mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà chú rể và nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu (có nơi cả bố) không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tuỳ theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày. Thành phần chủ khách rất hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình. Phỏng theo tục cổ Trung Quốc: nếu trong lễ lại mặt, có cái thủ lợn cắt lỗ tai tức là ngầm báo với nhà gái rằng nhà trai trả lại, vì con gái ông bà đã mất trinh (Đêm tân hôn có lót giấy bản, gọi là giấy thám trinh, để xem người con gái còn trinh tiết hay không. Nếu còn trinh thì trên giấy bản sẽ có mấy giọt máu. Mã Giám Sinh sau khi cưỡng ép phá trinh nàng Kiều xong dùng "Nước vỏ Lựu", "Máu mào gà" hòng lường gạt làng chơi tưởng nhầm là Kiều vẫn còn trinh). Trường hợp hai nhà xa xôi cách trở, ông già bà lão thì nên miễn cho nhau, cô dâu chú rể nếu bận ông tác cũng nên được miễn thứ. Nếu điều kiện cho phép thì nên duy trì, vì lễ này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp: -Nhắc nhủ con đạo hiếu, biết tạ ơn sinh thành, coi bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình. -Thắt chặt và mở rộng mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu, tình cảm được nhân đôi. - Hai gia đình cùng trao đổi rút kinh nghiệm về việc tổ chức hôn lễ và bàn bạc về trách nhiệm của hai bên bố mẹ trong việc tác thành cuộc sống cho đôi trẻ trong tương lai. v.v.v (file ebook VietNamPhongTuc-PhanKeBinh-lichsuvietnam.rar (304k) ở phía dưới) >> Xin xem thêm các bài có liên quan: lê |